Site icon HI88

Báo động lũ trên các sông và cảnh báo ngập lụt diện rộng

Báo động lũ trên các sông và cảnh báo ngập lụt diện rộng - Ảnh 1.

Chiều 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội lệnh báo động lũ trên sông Hồng, sông Đuống; Hưng Yên phát lệnh báo động I trên tuyến đê tả sông Luộc, sông Hồng.

Hà Nội báo động lũ trên sông Hồng, sông Đuống

Ngày 10/9, căn cứ mực nước sông Đuống tại Trạm Thủy văn Thượng Cát hồi 12 giờ 30 phút là 9,00m (mực nước báo động I là 9,00m), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội lệnh báo động lũ trên sông Đuống tại địa phận quận Long Biên, các huyện Đông Anh, Gia Lâm.

Thời điểm 11 giờ 10 phút, căn cứ mực nước sông Hồng tại Hà Nội (khu vực Long Biên) là 9,50 m (mực nước báo động I là 9,50 m), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố lệnh báo động lũ trên sông Hồng ở địa phận các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.

Đáng chú ý, ghi nhận tại 2 xã vùng bãi Duyên Hà và Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) cho thấy, mực nước ngập có khả năng tràn bờ kè, hầu hết các khu sản xuất nông nghiệp đều bị ngập sâu, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

UBND huyện Thanh Trì đề nghị, các xã, thị trấn tích cực kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, kè, cống, trạm bơm, công trình phòng, chống lũ khác bảo đảm an toàn, hiệu quả; đánh giá vị trí xung yếu, hư hỏng; bảo dưỡng trạm bơm bảo đảm vận hành tốt khi cần thiết; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, nhân lực xử lý sự cố đê điều.

Tại quận Bắc Từ Liêm, để đảm bảo an toàn, UBND phường Thụy Phương phát thông báo kêu gọi bà con ngoài bến bãi sông Hồng, dọc sông Nhuệ khẩn trương có phương án di dời tài sản và người về nhà người thân. Nếu người dân không có nơi để di dời, UBND phường Thụy Phương bố trí nhân dân ở ngoài bãi sông Hồng di chuyển về Nhà văn hóa Hồng Ngự, Nhà văn hóa Đình, Nhà thể chất Trường Tiểu học và Trường Trung học cơ sở Thụy Phương.

Nhân dân sát sông Nhuệ thuộc tổ dân phố Tân Nhuệ di chuyển về Nhà văn hóa Đại Đồng, Nhà văn hóa Tân Nhuệ, nhà thể chất Trường Tiểu học Thụy Phương. Nhân dân dọc sông Nhuệ thuộc tổ dân phố Tân Phong di chuyển về Nhà văn hóa Tân Phong, Trung tâm Văn hóa, Thể thao phường Thụy Phương.

Tại huyện Sóc Sơn, nhân dân xã Trung Giã khẩn trương phòng, chống lụt ven tuyến đê sông Cầu, đồng thời hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do ngập lụt. Tại xã Xuân Giang, cùng các lực lượng chức năng, chính quyền và người dân đang chống lũ tràn từ sông Cầu, bảo vệ lúa, hoa màu.

Lũ sông Bùi tiếp tục lên, vượt báo động lũ cấp 3. Chính quyền, người dân vùng “rốn lũ” Tân Tiến, Nam Phương Tiến… của huyện Chương Mỹ vừa dồn lực khắc phục hậu quả bão số 3, vừa khẩn trương, chủ động sơ tán người và tài sản phòng tránh lũ.

Do ảnh hưởng của mưa, dông, nhiều quận, huyện phải di chuyển chỗ ở cho người dân do bị ngập lụt. Đến sáng 10/9, quận Ba Đình di dời 30 hộ (40 người) tại khu nhà trọ vùng trũng gần cầu Long Biên về nhà văn hóa phường Phúc Xá.

Trưa 10/9, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận tiếp tục vận động các hộ còn lại sơ tán đến nơi an toàn. Dự kiến, toàn bộ khoảng 200 hộ dân có nguy cơ cao tại khu vực bờ sông Hồng ở phương Phúc Xá sẽ được di dời trong ngày 10/9. UBND phường và lực lượng chức năng phối hợp nắm chắc tình hình, sẵn sàng phòng, chống lũ lụt khi nước sông Hồng đã sát mép bờ vở tại phường Phúc Xá.

Tại quận Hoàn Kiếm, ngôi nhà 46 Hàng Gai, gồm 3 tầng và một tum đã bất ngờ bị nghiêng gần 1m sang hướng phố Tô Tịch. Chính quyền địa phương xuống kiểm tra, đôn đốc và động viên gia đình tìm hướng khắc phục, một phần tìm nơi tạm lánh, một phần tìm phương án sửa chữa hoặc xây mới căn nhà.

Sáng cùng ngày, Tổ tuần tra kiểm soát Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 2, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội phát hiện một vụ đắm tàu trên sông Hồng thuộc phường Ngọc Lâm, quận Long Biên (Hà Nội). Ngay lập tức, các lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường xử lý và đảm bảo an toàn cho người dân. Tàu gặp nạn mang số hiệu NĐ-3928 chở cát xuôi dòng sông Hồng. Quá trình lưu thông, tàu bị va đập vào đá ngầm, nước nhanh chóng tràn vào khoang khiến tàu bị chìm. Rất may, cả ba thuyền viên kịp thời nhảy khỏi tàu và bơi vào bờ an toàn, không có thiệt hại về người. Cơ quan chức năng nhanh chóng phối hợp cùng Trạm quản lý đường sông đặt phao báo hiệu, điều tiết và hướng dẫn phân luồng để các phương tiện khác lưu thông an toàn.

Đội Cảnh sát đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra phát hiện 2 nhà nổi cùng bè cá của dân do ảnh hưởng mưa bão và nước lũ lên cao bị đứt dây trôi tự do trên sông Hồng đoạn thượng nguồn cầu Vĩnh Thịnh (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Đơn vị đã tiếp cận đưa 2 nhà nổi và người dân cùng lồng nuôi cá vào bờ cố định an toàn.

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy hỗ trợ người dân vạn chài, sinh sống ở các thuyền, bè trên hoặc ven sông. Sáng ngày 10/9, nhiều cán bộ Cảnh sát giao thông đường thủy kịp thời có mặt tại làng chài thuộc huyện Gia Lâm, Ba Vì, quận Long Biên.. hỗ trợ người dân chèo chống tàu bè, vận chuyển tài sản, di dời đồ đạc lên vùng an toàn.

Lũ trên sông Hồng, sông Cà Lồ, sông Đuống… dâng nhanh do ảnh hưởng của mưa lớn, Phòng Cảnh sát giao thông bố trí cán bộ chiến sĩhỗ trợ di chuyển mà còn giúp người dân chằng buộc, gia cố phương tiện neo đậu để đảm bảo an toàn. Đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không đưa phương tiện ra hoạt động trong thời điểm mưa bão, gió lớn và nước chảy xiết, tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Hưng Yên phát lệnh báo động I trên tuyến đê tả sông Luộc, sông Hồng

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên vừa ban hành công điện hỏa tốc gửi các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố Hưng Yên về việc phát lệnh báo động I trên tuyến đê tả sông Luộc, từ 13 giờ ngày 10/9.

Công điện nêu rõ, mực nước trên sông Luộc hồi 12 giờ ngày 10/9 tại trạm thủy văn La Tiến là 4,25m (trên báo động I là 5cm) và tiếp tục lên. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát lệnh báo động I trên tuyến đê tả sông Luộc kề từ 13 giờ phút, ngày 10/9/2024.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu, các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên và các sở, ngành thực hiện canh gác đê theo cấp báo động; tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố đê điều ngay từ giờ đầu. Đồng thời kiểm tra, rà soát, chuẩn bị các loại vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương án hộ đê, phòng chống thiên tai của địa phương và ngành.

Các địa phương triển khai biện pháp phòng, tránh lũ; kiểm tra khu vực nguy cơ sạt lở, ngập lụt nhất là khu vực dân cư ngoài bãi sông có biện pháp chủ động đảm bảo an toàn cho người và tài sản; kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn tuyến đê bối. Thông báo cho người dân khẩn trương thu hoạch hoa màu, thủy sản ở ven sông, những nơi có khả năng ngập lụt.

Cùng với đó, các địa phương kiểm tra chặt chẽ hoạt động của bến đò dọc, ngang; yêu cầu chủ phương tiện chấp hành điều kiện đảm bảo an toàn cho hành khách, kiên quyết đình chỉ hoạt động của phương tiện không đủ điều kiện về an toàn theo quy định. Cảnh báo người dân không đi lại ven sông, nhất là vùng nguy cơ sạt lở và không được đánh bắt thủy sản trên sông. Đồng thời, kiểm tra, rà soát công trình đang thi công liên quan đến an toàn đê điều, chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực và hoàn thiện công trình đang thi công dở dang hoặc có biện pháp gia cố đảm bảo an toàn chống lũ.

Trước đó, vào lúc 9 giờ cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên phát lệnh báo động I trên tuyến đê tả sông Hồng.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ